Đồng Rupee Ấn Độ xuống thấp kỷ lục so với đồng USD

Đồng Rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại

Đồng Rupee có lúc giảm 0.7% xuống 69.0925 đổi 1 USD trong ngày thứ Năm (28/06), vượt qua cả mức kỷ lục trước đó là 68.865 đổi 1 USD xác lập trong tháng 11/2016. Bên cạnh đó, giá trái phiếu cũng giảm mạnh, lợi suất trái phiếu Ấn Độ kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm cơ bản lên 7.93%.

Đà tăng kéo dài của giá dầu Brent kể từ giữa năm 2017 đã làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khóa của Ấn Độ, trong lúc các quỹ toàn cầu trở nên có chọn lọc hơn trong việc đầu tư vào thị trường mới nổi. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 2/3 lượng dầu từ nước ngoài, và cũng vì thế, đây là một trong những quốc gia cực kỳ nhạy cảm với đà tăng của giá dầu.

“Với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ, họ cần phải có nguồn vốn tài trợ từ thị trường tài chính. Thế nhưng, cho tới nay, nhà đầu tư đã thoái vốn khỏi thị trường trái phiếu trong 5 tháng liên tiếp và thị trường cổ phiếu cũng đang bị thoái vốn”, Khoon Goh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. ở Singapore, cho hay. Nếu không thể xoay chuyển tình thế, đồng Rupee có thể tiếp tục giảm và có khi còn phá vỡ ngưỡng 70 đổi 1 USD, ông cho hay.

image

Nhà đầu tư nước ngoài đã giảm tỷ trọng sở hữu trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp định doanh bằng đồng Rupee bớt 6.1 tỷ USD, và rút 785 triệu USD ra khỏi thị trường cổ phiếu nước này kể từ đầu năm 2018. Chính làn sóng rút vốn đã khiến đồng Rupee giảm mạnh và là đồng tiền có thành quả tệ nhất châu Á. Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy làn sóng rút vốn sẽ dừng lại nên các chuyên gia phân tích cũng đưa ra các dự báo khá tiêu cực.

Hiện Barclays Plc dự báo tỷ giá USD/Rupee sẽ ở mức 72 vào cuối năm nay, còn DBS Bank Ltd. dự báo tỷ giá này sẽ ở mức 71 vào tháng 6/2019.

Ngoài ra, các tài sản Ấn Độ cũng đang trong vòng xoáy suy giảm, khi tình trạng rút vốn tác động tiêu cực tới đồng Rupee và khiến nhà đầu tư do dự trong việc đầu tư vào nước này. Nỗi lo ngại về việc bán trái phiếu của Chính phủ Ấn Độ và tác động của đà tăng của giá dầu lên lạm phát đã dẫn tới tình trạng bán tháo trái phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi vì lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gia tăng.

Quan điểm thận trọng

Theo Nomura Holdings, mỗi lần giá dầu tăng thêm 10 USD thì cán cân vãng lai của Ấn Độ lại giảm khoảng 0.4% GDP và lạm phát cũng tăng lên 30-40 điểm cơ bản.

“Quan điểm của chúng tôi về thị trường mới nổi nói chung vẫn là thận trọng, một quan điểm chúng tôi đã đưa ra trong khoảng thời gian vừa qua”, Dushyant Padmanabhan, Chiến lược gia tiền tệ tại Nomura ở Singapore, cho hay. “Đồng Rupee (INR) bị tác động nặng nề vì đà tăng của giá dầu. Sự bất ổn có thể tiếp diễn thêm một khoảng thời gian nữa”.

Giá dầu đã tăng mạnh trong tuần này, trong đó dầu WTI tăng hơn 6% trong 2 phiên vừa qua, sau khi Mỹ gây áp lực lên các đồng minh về việc nhập khẩu dầu từ Iran.

Dự trữ ngoại hối giảm mạnh

Dự trữ ngoại hối Ấn Độ giảm tuần thứ 8 trong 9 tuần qua, qua đó cho thấy Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã can thiệp vào thị trường để kìm hãm đà giảm của đồng Rupee. Các ngân hàng Nhà nước có lẽ đã bán ra đồng USD và mua vào Rupee trên danh nghĩa của NHTW, hai trader từ các ngân hàng địa phương cho biết trong ngày thứ Năm (28/06).

Nối tiếp Indonesia và Phlippines, RBI cũng quyết định nâng lãi suất chuẩn trong tháng này với mục tiêu bảo vệ đồng nội tệ của mình.

Bài Viết Ngẫu Nhiên