Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.5%, vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế

image

Vietstock - Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.5%, vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế

Trong quý 3/2018, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.5% so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi đà tăng vọt về khoản đầu tư hàng tồn kho và chi tiêu Chính phủ mạnh, Bộ Thương mại Mỹ cho biết về ước tính ban đầu của tăng trưởng GDP quý 3 trong ngày thứ Sáu (26/10).

Mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 4.2% trong quý 2/2018, nhưng 3.5% vẫn cao hơn mức tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tiềm năng tăng trưởng của Mỹ chỉ ở mức 2%. Thế nhưng, vẫn còn đó một số tín hiệu đáng báo động đối với chuỗi tăng trưởng hiện tại – vốn đã bước sang năm thứ 9 và là chuỗi dài thứ 2 trong lịch sử.

Chi tiêu doanh nghiệp chững lại và đầu tư nhà ở suy giảm trong 3 quý liên tiếp. Đây là những dấu hiệu cho thấy tác động tích cực từ đợt cắt giảm thuế 1.5 ngàn tỷ USD đang dần phai nhạt và đà tăng của lãi suất đang tác động tiêu cực tới thị trường nhà ở.

“Sẽ đến ngày phán xét dành cho nền kinh tế Mỹ, sau khi những ảnh hưởng tích cực từ các đợt cắt giảm thuế đều biến mất, nhưng hôm nay, Washington thực sự có điều gì đó để tỏ ra tự hào”, Chris Rupkey, Chuyên gia kinh tế trưởng tại MUFG ở New York, cho hay.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters chỉ dự báo GDP tăng trưởng 3.3% trong quý 3/2018. Kích thích tài khóa là một phần của các biện pháp do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng hàng năm lên mức 3% trên một cơ sở bền vững.

Tuy vậy, Mỹ cũng đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với trung Quốc, cũng như xung đột thương mại với các đối tác thương mại khác. Và dường như, đà giảm tốc của quý 3 phần lớn phản ánh tác động của các hàng rào thuế quan đáp trả từ Bắc Kinh lên hàng hóa Mỹ, bao gồm cả đậu nành.

Những người nông dân cố gắng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực vào đầu tháng 7/2018, qua đó củng cố thêm cho tăng trưởng của quý 2. Nhưng sau đó, kim ngạch xuất khẩu đậu nành đã giảm qua từng tháng và làm gia tăng thâm hụt thương mại. Ngoài ra, xuất khẩu dầu khí và các hàng hóa vốn.

Tuy nhiên, nhu cầu nội địa cao cũng làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng và xe cơ giới. Khoản thâm hụt thương mại đã làm tăng trưởng GDP quý 3/2018 giảm 1.78%.

Đà tăng của kim ngạch nhập khẩu cũng phản ánh sự hối hả của các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu trước để dự trữ trước khi các hàng rào thuế quan Mỹ có hiệu lực lên hầu hết hàng hóa Trung Quốc.

Kim ngạch nhập khẩu cũng là điểm trừ đối với tăng trưởng GDP. Thế nhưng, một lượng hàng nhập khẩu có khả năng còn nằm trong nhà kho, qua đó làm tăng thêm lượng dự trữ hàng tồn kho – một yếu tố góp phần vào GDP.

Lượng hàng tồn kho tăng ở mức 76.3 tỷ USD sau khi giảm ở mức 36.8 tỷ USD trong quý 2/2018.

Kết quả là khoản đầu tư hàng tồn kho cộng thêm 2.07% cho tăng trưởng GDP, mức đóng góp lớn nhất kể từ quý 1/2015. Trước đó, trong quý 2/2018, khoản đầu tư hàng tồn kho đã làm GDP giảm 1.1%.

Chi tiêu tiêu dùng mạnh

“Chính sách thương mại có thể bị chi phối bởi sự biến động về nhập khẩu ròng và hàng tồn kho”, Michael Feroli, Chuyên gia kinh tế tại JPMorgan ở New York, cho hay. “Tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài sang quý 4/2018”.

Loại trừ tác động từ thương mại và hàng tồn kho, GDP Mỹ tăng trưởng 3.1% trong quý 3/2018, thấp hơn nhiều so với mức 4% trong giai đoạn 4-6/2018.

Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – tích tắc tăng lên đỉnh 2 tháng.

Tăng trưởng quý 3 cao như hiện nay sẽ đem lại lý do để giữ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo lộ trình nâng lãi suất một lần nữa vào tháng 12/2018, bất chấp sự thắt chặt trên các điều kiện thị trường tài chính xuất phát từ làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán và đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Fed nâng lãi suất lần thứ 3 trong tháng 9/2018, và loại bỏ cụm từ “chính sách tiền tệ vẫn còn thích ứng” ra khỏi tuyên bố chính sách.

Báo cáo GDP cho thấy, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và có loại bỏ giá thực phẩm, năng lượng – tăng trưởng ở mức 1.6% trong quý 3/2018. Chỉ số PCE lõi tăng trưởng ở mức 2.1% trong giai đoạn 4-6/2018.

Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng – vốn chiếm tới hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ – tăng trưởng 4% trong quý 3/2018, mức cao nhất kể từ quý 4/2014 và cao hơn cả mức 3.8% của quý 2/2018.

“Dường như, hầu hết những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã trở nên thận trọng phần nào về tương lai và đã trì hoãn thực hiện các kế hoạch đầu tư lớn”, Joel Naroff, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Naroff Economic Advisors ở Holland (Pennsylvania), cho hay.

Trong quý 3/2018, thị trường nhà ở giảm tốc mạnh nhất trong hơn 1 năm, cũng tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

Bài Viết Ngẫu Nhiên