Cú đổ đèo năm 2015 có lặp lại ở Trung Quốc?

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chìm sâu trong sắc đỏ

Liệu quá khứ đang lặp lại? Với diễn biến giảm mạnh trên các thị trường Trung Quốc trong tuần qua, nhiều chuyên gia bỗng nhớ lại ký ức của 3 năm về trước, thời điểm cú đổ đèo của thị trường cổ phiếu và đồng Nhân dân tệ khiến nhà đầu tư toàn cầu kinh hãi. Chắc chắn là có một vài sự tương đồng giữa hai thời điểm này, nhưng vẫn còn có vài sự khác biệt rõ rệt - bao gồm mức định giá cổ phiếu rẻ hơn và Chính phủ Trung Quốc ít can thiệp hơn.

Dưới đây, Bloomberg thực hiện so sánh giữa tình hình hiện nay so với năm 2015.

Quy mô và tốc độ suy giảm

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất gần 2 ngàn tỷ USD trong vòng 5 tháng. Nhưng tốc độ sụt giảm vẫn chưa thể so sánh được với làn sóng bán tháo gây sốc trong năm 2015. Còn nhớ tại thời điểm 3 năm trước, 3.2 ngàn tỷ USD bị “cuốn trôi” ra khỏi thị trường chứng khoán chỉ trong 3 tuần, tức mỗi phút giao dịch mất gần 1 tỷ USD. Và trong khi chỉ số Shanghai Composite sụt hơn 8% trong 1 ngày của tháng 8/2015 thì mức lao dốc mạnh nhất trong vài tuần gần đây chỉ là 3.8% vào ngày 19/06/2018.

Diễn biến của đồng Nhân dân tệ là khá giống với thời điểm 3 năm về trước. Đợt phá giá tiền tệ trong năm 2015 đã khiến đồng Nhân dân tệ rớt gần 3% chỉ trong vòng 2 ngày, qua đó khiến nhà đầu tư một phen “thất kinh bát đảo” vì họ đã quá quen với sự ổn định của đồng Nhân dân tệ. Lần sụt giảm gần đây nhất khá tương đồng về mức độ, nhưng về tốc độ giảm thì chưa bằng khi đồng Nhân dân tệ phải mất 2 tuần mới giảm gần 3%. Vào đầu ngày thứ Năm (28/06), tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài giảm nhẹ sau 10 phiên giảm trước đó.

image

Mức định giá cổ phiếu

Trước thời điểm diễn ra đợt lao dốc năm 2015, thị trường cổ phiếu Trung Quốc đang có hiện tượng bong bóng đầu cơ. Hệ số P/E của chỉ số Shanghai Composite khi đó là 19 lần, và hàng trăm cổ phiếu thuộc chỉ số này có hệ số P/E vượt ngưỡng 100 lần.

Hiện nay, chỉ số Shanghai Composte đang giao dịch với hệ số P/E là khoảng 10.5 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng), thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2014. Và dựa trên một số thước đo, định giá của Shanghai Composite đang ở mức rẻ nhất khi so với chỉ số S&P 500.

image

Tình hình kinh tế

Hạ cánh “cứng” hay “mềm”? Việc liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể ngăn chặn khả năng xuất hiện suy thoái kinh tế nghiêm trọng hay không đã được bàn luận khá sôi nổi trong nhiều năm qua. Tăng trưởng kinh tế đã giảm tốc trong năm 2015, nhưng lúc đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn đang trong chế độ nới lỏng tiền tệ – thể hiện ở quyết định giảm lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính.

Còn hiện nay, các cơ quan quản lý dường như ít sẵn lòng trong việc nới lỏng chính sách và bơm vốn vào hệ thống tài chính. Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trong hệ thống tài chính. Ngoài ra, vẫn còn có yếu tố khó lường từ căng thẳng thương mại với Mỹ: Donald Trump đã đe dọa áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và điều này có thể làm tăng trưởng GDP của nước này giảm nhiều nhất là 0.5%, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc

Trong khi Chính phủ Trung Quốc thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán trong năm 2015, thì những ngày gần đây, họ dường như lại ít can thiệp vào thị trường.

Đúng là họ có can thiệp vào thị trường, nhưng thông qua các biện pháp như áp mức tỷ giá trung tâm cao hơn dự báo cho đồng Nhân dân tệ và yêu cầu các công ty môi giới chứng khoán ngừng thanh lý đột ngột các khoản cổ phiếu thế chấp. Họ dường như tránh xa việc can thiệp quá mạnh vào thị trường, điều này khác xa so với hồi năm 2015.

“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc sẽ muốn tránh xảy ra điều gì tương tự với năm 2015”, Timothy Graf, Chiến lược gia vĩ mô tại State Street Corp. ở Luân Đôn, cho hay. “Họ cho phép thị trường tự thân vận động, và rút ra bài học rằng việc can thiệp quá mạnh vào thị trường dường như không hiệu quả”.

Đòn bẩy

Trong năm 2015, chính những trader nhỏ lẻ có sử dụng ký quỹ (margin) đã khiến mọi người lo ngại về thị trường chứng khoán Trung Quốc. 3 năm về trước, khoản vay nợ ký quỹ trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đã vượt mốc 350 tỷ USD tại đỉnh điểm. Khi bong bóng vỡ vụn, khoản thua lỗ ngày càng gia tăng khi các trader buộc phải bán cổ phiếu vì bị “call margin”.

Ngày nay, một loại nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy vừa mới bước vào thị trường: Những nhà sáng lập công ty và những cổ đông lớn cũng thực hiện vay nợ và sử dụng chính cổ phiếu của công ty họ làm vật thế chấp. Các cổ đông này thường sẽ vay ở quy mô lớn để đầu tư vốn vào doanh nghiệp của họ hay các tài sản kém thanh khoản khác. Khả năng bổ sung thế chấp của họ rất thấp, nhất là đối với những nhà sáng lập với phần lớn tài sản gắn chặt vào công ty của họ.

Dữ liệu từ China Securities và Bloomberg cho thấy, có hơn 5 ngàn tỷ Nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc đang được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay (tương đương 770 tỷ USD và chiếm khoảng 12% vốn hóa toàn thị trường). Nỗi lo ngại ở đây là tình trạng cổ phiếu sẽ bị thanh lý cưỡng chế nếu người vay nợ không thể đáp ứng yêu cầu thế chấp bổ sung. Khi đó, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Một nghiên cứu từ Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (CNIFD) cho thấy, lượng cổ phiếu thế chấp đã chạm tới mức của năm 2015.

Dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc

3 năm trước, dường như Trung Quốc bị cuốn vào một vòng xoáy thoái chạy của dòng vốn. Theo ước tính, trong năm 2015 và 2016, có khoảng 1.7 ngàn tỷ USD đã rời bỏ Trung Quốc.

Trong năm nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy tình trạng trên sẽ lặp lại, một phần là vì Trung Quốc đã siết chặt biện pháp kiểm soát vốn. Ngoài ra, giá nhà ở ngày càng gia tăng cũng góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở lại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi đồng Nhân dân tệ cứ tiếp tục suy giảm, bức tranh tháo chạy của dòng vốn có thể thay đổi nhanh chóng nếu như nhà đầu tư liên tục thua lỗ.


Bài Viết Ngẫu Nhiên