Hơn 12 tỷ USD tháo chạy khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu trong tháng 6

Các quỹ tập trung vào cổ phiếu toàn cầu bị rút vốn khoảng 12.4 tỷ USD trong tháng 6/2018, mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 10/2008, dựa theo công ty nghiên cứu thị trường TrimTabs. Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008, châm ngòi cho sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái và kéo các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc hơn 60%.

image

Nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Làn sóng tháo chạy của dòng vốn gần đây nhất – bao gồm cả các quỹ ETF và quỹ tương hỗ – diễn ra khi nhà đầu tư lo ngại rằng đà tăng trưởng đồng bộ trên toàn cầu đang đánh mất đà, và thị trường mới nổi cũng bị rút vốn nặng nề. Trước đó, cổ phiếu của thị trường mới nổi được xem là tài sản được khá nhiều nhà đầu tư ưa thích.

Chứng chỉ quỹ iShares MSCI Emerging Markets ETF nhảy vọt hơn 18% trong giai đoạn 5 tháng từ tháng 7/2017 tới tháng 1/2018, nhưng sau đó xóa sạch đà tăng và quay đầu giảm 10.3% trong năm nay. Đặt lên bàn cân so sánh, S&P 500 tăng gần 1% trong năm 2018 đầy biến động, còn chứng chỉ quỹ Vanguard FTSE All-World ex-US Index Fund – vốn theo dõi cổ phiếu trên toàn cầu (trừ Mỹ) – thì lại giảm hơn 6.5% trong năm nay.

Trong bối cảnh giao dịch cổ phiếu trên thị trường mới nổi và các thị trường khác ngoài Mỹ và nỗi lo sợ về chiến tranh thương mại gia tăng, nhà đầu tư đã từ bỏ các cổ phiếu quốc tế và trở về với nước Mỹ - nơi chứng kiến dòng vốn chảy vào 6.3 tỷ USD. Quỹ iShares emerging market ETF bị rút 5.4 tỷ USD trong tháng 6/2018, mức rút vốn mạnh nhất trong tất cả các quỹ, theo dữ liệu từ ETF.com.

“Đà tăng của đồng USD và thành quả thấp kéo dài dường như là yếu tố thôi thúc nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường cổ phiếu bên ngoài nước Mỹ (non-U.S. equities)”, TrimTabs cho biết trong một báo cáo.

Thú vị nhất là một trong những khu vực có mức độ sợ hãi của nhà đầu tư thấp nhất lại là Trung Quốc. Trong tháng 6/2018, nhà đầu tư đã rót ròng 150 triệu USD vào thị trường Trung Quốc, ngay cả khi chỉ số chứng khoán chuẩn của Trung Quốc chìm sâu trong thị trường con gấu – vốn được định nghĩa là giảm 20% so với mức đỉnh gần đây nhất.

Về phần nhà đầu tư, câu hỏi chính có lẽ là liệu sự tháo chạy của dòng vốn ở những nơi khác đang báo hiệu một điều gì đó đáng lo ngại hơn hay chỉ là một cơ hội mua vào khác khi mức định giá trở nên rẻ hơn.

“Dòng vốn tích lũy trong cả năm 2018 (của các loại tài sản) vẫn còn tăng nhờ đợt hút vốn mạnh trong tháng 1/2018. Nga và Nam Phi hiện dẫn đầu về làn sóng rút vốn vì đây là thị trường đông đúc nhất trước thời điểm chuỗi suy giảm xảy ra”, Gabriele Foa, Chiến lược gia tài sản chéo ở thị trường mới nổi tại Bank of America Merrill Lynch, cho biết trong một báo cáo. “Những cơ hội đang xuất hiện nhờ mức định giá thấp”.

Trên thực tế, nếu xu hướng này duy trì cho tới cuối tháng 6/2018 thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2016, các cổ phiếu trên toàn cầu chứng kiến đợt rút vốn ròng, theo TrimTabs.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn còn lạc quan về Mỹ La Tinh, được thể hiện ở việc rót ròng 30 triệu USD vào các quỹ ETF trong tháng 6, mặc dù các quỹ này đã mất 10% trong tháng 6 và hơn 25% so với đầu tháng 5/2018.

Bài Viết Ngẫu Nhiên